Hiện nay, mỗi bà mẹ khi sinh con nhỏ được nghỉ thai sản 6 tháng, đó là theo quy định của pháp luật.
Thế nhưng trên thực tế tìm hiểu của phóng viên, rất nhiều phụ nữ làm việc trong các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là công nhân, khó có thể nghỉ được hết khoảng thời gian này bởi áp lực đi làm sớm từ lúc khoảng 3-4 tháng đối với họ rất lớn.
Đó là chưa kể đến việc rất nhiều các chủ doanh nghiệp tư nhân không có hạ tầng hỗ trợ vắt sữa và bảo quản sữa mẹ. Chính vì thế dù có muốn giữ sữa cho con bú thì các bà mẹ Việt cũng gặp nhiều khó khăn.
Ngoài những lý do này thì còn rất nhiều lý do khác liên quan đến nhận thức y tế, xã hội và tác động của gia đình, khiến cho tỉ lệ nuôi con bằng sữa mẹ ở Việt Nam đang ở mức thấp nhất Đông Nam Á, chỉ 17%.
Điều đó đồng nghĩa với sự lên ngôi của sữa công thức.
Thị trường sữa cho trẻ dưới 1 tuổi hiện có rất nhiều lựa chọn. Đối với các dòng sữa ngoại nhập hoặc xách tay, giá có thể dao động từ 500 nghìn đến 800 nghìn đồng, tùy loại. Còn đối với dòng sữa sản xuất trong nước, giá sẽ từ 310 nghìn đến khoảng 350 nghìn/hộp.
Tính ở mức tiêu thụ sữa thấp khi mẹ vẫn duy trì được sữa mẹ cho con, mỗi tháng một em bé uống 1 hộp sữa 900 gram (tương đương với chỉ khoảng 30 gram mỗi ngày, tức bằng vài thìa sữa nhỏ) thì mỗi năm bà mẹ Việt tiêu tốn ước khoảng 3.960.000 đồng.
Trong khi đó ở Nhật, giá bán lẻ sữa Meiji (loại cho trẻ nhỏ dưới 1 tuổi vốn rất phổ biến) vào khoảng 400 nghìn đồng Việt Nam. Như vậy, mỗi năm mẹ Nhật sẽ mất 4.800.000 đồng để mua sữa công thức cho con, nhiều hơn mẹ Việt Nam khoảng hơn 800 nghìn đồng
Số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) tính đến cuối năm 2015 cho thấy, thu nhập bình quân đầu người của người Việt Nam vào khoảng 2.000USD/người/năm. Trong khi đó, thu nhập bình quân đầu người của người Nhật gấp 18 lần Việt Nam.
Nếu tính theo tỷ lệ thì mẹ Việt mất 10% thu nhập năm để mua sữa cho con, còn tỷ lệ này ở Nhật chỉ là 0,59%. Đối với nhóm nước công nghiệp phát triển G7, tỷ lệ thu nhập dành để mua sữa cho con gần như tương đương. Tỷ lệ 10% thu nhập dành để mua sữa cho con như trên sẽ còn cao hơn nếu mẹ Việt Nam mua sữa bột nhập ngoại dành cho con thì tỷ lệ trên lên đến 16,5%.
Có nghĩa là dù nghèo nhưng kể cả dùng sữa nội địa sản xuất trong nước như sữa nutifood, sữa vinamilk thì người Việt vẫn phải dành phần thu nhập quá lớn để mua sữa bột cho con cái của họ.
Thực ra, với thu nhập còn thấp, tỷ lệ chi tiêu cá nhân trên tổng thu nhập của một người dân ở nước đang phát triển sẽ luôn cao hơn nhiều so các nước đã phát triển. Tuy nhiên vấn đề nằm ở chỗ, khoản chi phí đối với sữa cho trẻ em hoàn toàn có thể thấp hơn nhiều, nếu các bà mẹ ở Việt Nam lựa chọn cách nuôi con khoa học và kinh tế hơn - nuôi con bằng sữa mẹ.
Các tổ chức y tế luôn khuyến cáo các bà mẹ nên cho con bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời và duy trì tối thiểu trong 2 năm. Nhưng trên thực tế, tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ ở Việt Nam chỉ đạt 17%, thấp nhất khu vực Đông Nam Á, bằng 1/3 tỷ lệ tối thiểu 50% của thế giới, thuộc nhóm rất thấp của thế giới. Tại Lào và Campuchia, tỷ lệ này cũng đạt đến 40% và 65%.
Vậy là khi thu nhập của người Việt còn thấp, việc các bà mẹ quá ưa chuộng sử dụng sữa bột, đặc biệt là các loại sữa nhập ngoại đắt tiền, để thay thế gần như hoàn toàn sữa mẹ, càng khiến ngân sách chi tiêu dùng trở nên tốn kém, đồng thời góp phần giúp các hãng sữa công thức được "trọng dụng" thái quá ở Việt Nam.